đơn vị nhỏ nhất của nỗ lực ở đại học là…xuất hiện ở lớp (*) (P1)

nếu bạn đang và đã có đặc quyền học ở một trường đại học, dù là ở Việt Nam hay nước ngoài, mình hy vọng bạn sẽ thấy bài viết này liên quan đến bản thân. mình là Phương Dung, đang ở tháng cuối cùng của năm Hai đại học tại trường Oberlin College, ở bang Ohio, Mỹ, và mình là một…bạn già đi học vì đã có ba năm gap years trước khi đến với môi trường đại học.

mình bắt đầu gap year trước dịch COVID-19 độ 1-2 năm; lúc đó việc gap year ở nước ngoài đã phổ biến còn ở Việt Nam thì chỉ lấm tấm một vài người mình biết. khi dịch bắt đầu bùng phát trên thế giới thì ‘trào lưu’ này mới bắt đầu phổ biến dần với các bạn du học sinh. ba năm gap year đó, mặc kệ cho đại dịch diễn ra, mình đã (may mắn được) đi học những thứ nghe có vẻ rất tào lao: thuyết đồng tính (queer theory), thuyết trò chơi (game theory), lịch sử nghệ thuật,…, mình đã có hai tuần đi châu Âu, có một công việc thực tập kéo dài gần 6 tháng ở Lạc Dương, Lâm Đồng, ở Hà Nội 4 tháng chỉ để đi…triển lãm và tiếp cận gần hơn với các thực hành nghệ thuật đương đại, và cuối cùng là có một công việc full time tròn trịa một năm ở Đà Lạt. (mà chắc mình sẽ phải kể nhiều phần mới có thể hết được chuyện ‘tiếu ngạo giang hồ’ này!)

vì sao mọi điều trên được nhắc ở đây? là qua một thời gian trải nghiệm dài như thế, khi đi học, mình không còn sự hứng thú với những thứ mới mẻ mà đáng ra mình phải hứng thú về đời sinh viên nữa, thí dụ như là việc đi party, hay là việc có thật nhiều bạn nước ngoài. mình cảm thấy mình kết nối nhiều hơn với vòng tròn của mình ở Việt Nam, và cộng thêm lúc mới đi học còn đang có người yêu ở Việt Nam (mà anh cũng đã lớn tuổi) nữa, nên trên chuyến bay đầu tiên đi học, ngoài chuyện cứ mở mắt là khóc sướt mướt ra, mình chỉ nghĩ với lòng: học nhanh, thật nhanh, rồi về! thỉnh thoảng mình có cảm giác như mình đang sống ‘double life’ hay một cuộc đời song song vậy: mọi thứ ở thành phố nơi mình từng sống — với gia đình mình, với người yêu mình, ở Sài Gòn — một thành phố mình yêu quý vì bạn bè mình hầu hết đã ‘quy tụ’ ở đây, ở Việt Nam vẫn diễn ra như thế khi không có mình, còn việc học tại Mỹ thì vẫn cần cả thân thể và đầu óc của mình hiện diện. trong suốt một năm đầu tiên mình không thực sự thấy thân thể và đầu óc của mình thực sự hiện diện cùng một lúc ở một nơi nào cả, và đã nhiều lần tự bắt nạt chính mình trong mỗi lúc cãi nhau với người yêu chẳng hạn, chỉ vì những thứ ngoài tầm kiểm soát của mình, cho dù nó có thật hay không.

thứ hai, là mình có một nỗi bất an về bản thân (mà nghĩ lại, mình thấy hơi mắc cười): mình luôn cảm thấy mình nói chuyện bằng tiếng Anh thì mình không có đủ từ lóng để ‘quăng miếng’, hay thậm chí là…không duyên dáng bằng khi mình nói tiếng Việt. nói tiếng Việt mình hay giỡn và ‘xàm xí’ bao nhiêu, thì khi nói tiếng Anh mình dường như lúc đó trở về mức cơ bản, não mình như bị đơ ra vậy, dù cũng đã học chuyên Anh ở cả trường cấp II và cấp III trước đó. thêm nữa là khi các bạn Mỹ nói chuyện, mình cảm tưởng như có những ‘inside joke’ mình không thể hiểu được vì chưa từng có va chạm về văn hoá như vậy. chắc hẳn ai đi du học, hoặc học ở Việt Nam mà xa nhà, cho dù có exposure với văn hoá nước/vùng của trường đại học đó bao nhiêu qua truyền thông, sách vở, phim ảnh,.v..v.., cũng sẽ đôi lần có cảm giác như mình…

thứ ba, không biết điều này nói ra có làm mình trở thành một người ‘lạc quan tếu’ hay không, mình tự thấy mình là một người có khả năng tự học, tự chơi khá tốt. một cái gì đó mình tự hứng thú, tự thấy liên quan, tự nguyện mày mò thì rất dễ đi vào và sẽ ở lại với mình thật lâu. một cái gì đó mà mình cảm thấy như có một xíu ‘màu’ ép buộc thì mình sẽ có xu hướng đối phó, thậm chí là phản kháng. mình vẫn sẽ làm xong, nhưng hoàn toàn ở mức hoàn thành; mình sẽ không đi sâu hơn, không đặt thêm câu hỏi, không lật trở, và không nỗ lực thêm dù chỉ một chút.

ba lý do trên là lời nguỵ biện ngọt ngào (được tạo ra bởi mình) cho vấn đề mình có ‘nhá hàng’ ở tiêu đề: dù điểm vẫn cao khi đi học trong kỳ đầu, thực sự nhìn lại, mình thấy mình không ở đó, và cũng có những giai đoạn mình không còn động lực đến bất kỳ một lớp học nào. nghỉ được một buổi mà không có lý do thích đáng với bản thân sẽ đến buổi hai, rồi buổi ba, và có những giai đoạn trong hai tuần mình hoàn toàn không show up tại buổi học nào cả. những gì diễn ra trong đầu mình lúc đó là:

  • “mình không thấy kết nối với bạn cùng lớp, với thầy cô. họ quá khác mình!”
  • “cái này trước kỳ thi 3-4 ngày mình dành sức ra để nhồi nhét thì vẫn được điểm cao. chắc chắn! nên không cần đi học đâu nhỉ?”
  • “thầy cô không chấm điểm attendance đâu, nên thôi không đến thì cũng chẳng mất điểm gì!”
  • và còn nhiều tiếng ồn khác bật ra trong đầu mình ở thời điểm một năm trước nữa.

cho đến khi mình bắt đầu nhận về một vài con điểm không tốt đầu tiên so với kỳ vọng của mình ở kỳ thứ hai đi học, lúc đó mình bắt đầu thực sự nghi ngờ bản thân – cái kiểu kỳ vọng rất đặc trưng của ‘bọn châu Á’. châu Á mà đi du học thì chắc chắn phải mọt sách, chắc chắn phải hào quang sáng chói một cách không nỗ lực, phải ‘straight As’ và thậm chí điểm trung bình lúc nào cũng phải hơn 4.0. và rồi mình nhìn lại thì những điểm không tốt đó tình cờ lại xuất hiện trong những lớp mà mình vắng mặt nhiều nhất.

đó chỉ là về điểm số, về mặt tinh thần, mình trải qua một cảm giác rất tệ về bản thân. ví dụ như là suy nghĩ: bố mẹ đã làm rất vất vả để cho mình ở đây, nhưng tại sao mình không thấy có động lực đi học? tại sao mình không thực sự thích thú với đại học Mỹ như những gì mình nghĩ mình nên làm trước đó? rồi thấy mình thật lười biếng, thấy mình không ‘hiệu quả’ như thời điểm mình học cấp III hay gap year ở Việt Nam. rồi vì không ‘show up’ ở các lớp học, dĩ nhiên cuộc sống của mình chỉ trông chờ vào việc điện thoại anh người yêu ở Việt Nam hàng ngày, và chỉ cần anh điện trễ, hoặc lòng mình có một chút bồn chồn, thì thành ra mình thích gây sự chú ý bằng việc…sinh sự. hay mỗi khi thấy một món đồ mỹ phẩm hay quần áo đẹp và mình muốn mua, thì sau đó mình cảm thấy tội lỗi vì nghĩ trong lòng: ba mẹ cho qua đây học nhưng thật sự không học. đã không học lại còn ‘ngựa bà’ mua mấy đồ màu mè này!

về sau này mình mới gọi được tên những cảm xúc đó: sự thất vọng (disappointment), gây hấn thụ động với bản thân và những người gần mình nhất (passive aggression), sự tức giận (chủ yếu là với bản thân mình) (anger), và quan trọng hơn là sự xấu hổ (shame) và lòng tự trọng thấp (low self-esteem). à! và mình còn có thể giận những anh chị đi trước trong những buổi hội thảo du học random mình đi vì đã không lường trước và chia sẻ những cảm xúc mình đi qua ở thời điểm đó nữa (giận lây luôn, thấy bị khùng chưa?). và chưa dừng lại ở đó, mình giận mình vì đã để mình vào những cảm xúc trên, vì chính những cảm xúc đó khi được tích tụ hàng ngày thì đột nhiên tự luỹ thừa — ‘exponentiate themselves’, mà bản thân mình lúc đó thì không dám chia sẻ với ai cả, riêng về chuyện này.

và hành trình tự đi tìm đường cứu thân bắt đầu sau mùa hè năm nhất, tức là cỡ T8-9 năm vừa rồi khi mình bắt đầu học năm hai, và thực sự bắt đầu vào T1 năm nay, tức là năm 2024. lý do lớn nhất là vì mình không muốn mình phải đi qua thêm những cảm xúc của kỳ trước một lần nào nữa, và lý do thứ hai, là mình muốn mình thực sự học, cũng như tìm lại nguồn cảm hứng thực sự với việc học, bằng cách mở lòng cho những giá trị mà trước đó, mình nghĩ, chỉ cần nghe đến mình đã thấy bên trong mình đánh nhau túi bụi. và mình chỉ bắt đầu bởi đúng một việc: đi học đều đặn ở các lớp — to show up. tức là mình có thể có nhiều lời hứa với bản thân mà mình tạm gác qua, nhưng với việc đi đến một lớp học là điều mà mình sẽ phải làm. tức là có những ngày trước 5′ buổi học mình thậm chí còn chưa trang điểm và không muốn đi đến lớp đó, nhưng bằng một sức mạnh nào đó mình sẽ tự ép bản thân xuống giường, và bước đi thẳng đến lớp mà không có thêm một câu hỏi nào đó. hoặc có những khi học xong 2 lớp đã mệt, còn một lớp, thay vì chọn về nhà nằm và bỏ qua lớp đó, mình chỉ hướng chân đi đến thẳng toà nhà của lớp học thứ 3 đó mà mình cần đến.

mình bắt đầu với ba chữ: to show up, hay xuất hiện về mặt vật lý trong lớp. đó là đơn vị nỗ lực nhỏ nhất của mình trong ba tháng vừa qua, ở kỳ học này.

(còn nữa)

(*) tiêu đề lấy cảm hứng từ podcast Đơn vị nhỏ nhất của nỗ lực là một hơi thở – PGS.TS Nguyễn Phương Mai | #haveasip 115 (https://www.youtube.com/watch?v=D7Eeg91gsaA)

Leave a comment